TIẾNG VIỆT
lớp hướng dẫn massage cho bé "chạm yêu thương"

NÓI SAO CHO TRẺ CHỊU NGHE - Adele Faber và Elaine Mazlish

Tác giả: Trần Huỳnh Tuyết Như

Ngày: 12-05-2019

  Chắc hẳn bố mẹ nào cũng từng băn khoăn về cách nuôi dạy, phân vân không biết thế nào để chia sẻ và bế tắc khi chẳng thể thấu hiểu con mình. Nếu bạn đang gặp phải những trường hợp đấy, hãy tìm đến cuốn sách Nói sao cho trẻ chịu nghe & Nghe sao cho trẻ chịu nói, được viết bởi Adele Faber và Elaine Mazlish – hai chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực giao tiếp giữa người lớn và trẻ em. Hai vị tác giả đã đoạt được nhiều giải thưởng uy tín, hàng ngàn hội thảo về gia đình do họ tổ chức đã được sử dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới. Cuốn sách Nói sao cho trẻ chịu nghe đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, bán trên 3 triệu bản và luôn nằm trong Top Best-seller do tạp chí New York Times bìnhchọn.

  Trong khuôn khổ của quyển sách này, hai vị tác giả đã tập trung chia sẻ 7 chủ đề:
1. Giúp con cái xử lý những cảm xúc của chúng
2. Khuyến khích sự hợp tác
3. Những giải pháp thay thế hình phạt
4. Khuyến khích tính tự lập của con cái
5. Khen ngợi
6. Giải phóng trẻ khỏi những vai trò
7. Phối hợp tất cả những kỹ năng

  Ở từng chủ đề này, với sự minh họa thú vị bằng rất nhiều tình huống cụ thể thông qua tranh vẽ, tác giả vẽ ra cho người đọc những hình dung thú vị về các cách phản ứng của người lớn thường làm với con trẻ và giải pháp thay thế tích cực hơn. Điều khiến người đọc tâm đắc hơn là những giải pháp này không chỉ đơn thuần là những "kỹ năng”. Sau mỗi “kỹ năng” là một triết lý giao tiếp và giáo dục con cái dựa trên nền tảng yêu thương, tôn trọng chúng. Những giải pháp này cũng không phải là tuyệt đối mà còn tùy đứa trẻ và tùy thời điểm. Và nếu chúng ta trao cho con cái của mình tình thương yêu và cách thức sẻ chia với chúng phù hợp, các bậc cha mẹ sẽ thấy con cái mình có những khả năng giải quyết vấn đề tuyệt vời như thế nào. Hãy tin tưởng vào con cái mình, các bạn nhé. 

  Dưới đây là một trích đoạn trong những trích đoạn mà người viết rất thích:
"Nhiều người hỏi chúng tôi, "Nếu tôi sử dụng những kỹ năng này một cách hợp lý, thì đám con chúng tôi sẽ luôn phản hồi tốt chứ?". Câu trả lời của chúng tôi là: Chúng tôi không hi vọng thế. Trẻ em không phải là rô - bốt. Ngoài ra mục đích của chúng tôi không phải là đặt ra hàng loạt những kỹ thuật nhằm khống chế hành vi của trẻ, bắt trẻ luôn luôn phải có phản hồi.

  Mục đích của chúng tôi là nói với những gì tốt đẹp nhất trong con cái của chúng ta - trí thông minh, óc sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, óc khôi hài, khả năng nhạy cảm với nhu cầu của người khác của chúng.
Chúng tôi muốn chấm dứt những kiểu nói gây tổn thương tinh thần con trẻ, và chúng tôi muốn tìm ra ngôn ngữ nuôi dưỡng lòng tự trọng của chúng.

  Chúng tôi muốn sáng tạo ra bầu không khí đồng cảm, khuyến khích trẻ hợp tác vì chúng tự quan tâm đến bản thân chúng và bởi vì chúng quan tâm đến những bậc phụ huynh chúng ta."
Điều thú vị cuối cùng là quyển sách này được viết từ năm 1976, xuất bản lần đầu vào năm 1980, nhưng cho đến nay, giá trị của nó vẫn được đánh giá cao.

Please wait...